06 LƯU Ý KHI THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
MỚI TỪ NĂM 2021
Từ năm 2021 khi thành lập doanh nghiệp mới cá nhân, tổ chức cần lưu ý những quy định sau.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Không bắt buộc thông báo tài khoản ngân hàng với cơ quan nhà nước
2. Bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu con dấu doanh nghiệp
3. Thêm đối tượng được uỷ quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
4. Thêm đối tượng không được thành lập doanh nghiệp
5. Thay đổi mẫu giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp
6. Giá trị tài sản góp vốn phải được 50% thành viên chấp thuận nếu do tổ chức thẩm định giá thẩm định
06 lưu ý khi thành lập doanh nghiệp mới từ năm 2021 (ảnh minh họa)
Khi Luật Doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã dẫn đến rất nhiều thay đổi trong việc thành lập doanh nghiệp. Sau đây là 06 lưu ý khi thành lập doanh nghiệp mới từ năm 2021.
- Trước đây, theo quy định tại Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT, trên các biểu mẫu đăng ký thành lập doanh nghiệp thì thông tin về “số tài khoản ngân hàng” vẫn được thể hiện và là một trong những thông tin bắt buộc về thuế và phải kê khai khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
- Đăng ký tài khoản ngân hàng là một trong thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế. Vì vậy khi đăng ký tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp được coi là có sự thay đổi về thông tin đăng ký thuế.
- Bên cạnh đó, trong thời hạn 10 ngày doanh nghiệp có thay đổi nội dung đăng ký thuế mà không thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thì gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Vì vậy, nếu doanh nghiệp không thông báo tài khoản ngân hàng hoặc chậm thông báo thay đổi thông tin tài khoản ngân hàng sẽ bị xử phạt theo Điều 31 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, cụ thể:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn từ 01 - 30 ngày: Phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng;
- Thông báo quá thời hạn từ 31 - 90 ngày: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng;
- Thông báo quá thời hạn từ 91 ngày trở lên: Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng.
- Ngoài bị phạt tiền, doanh nghiệp còn buộc phải thông báo thông tin tài khoản ngân hàng đến Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở.
- Từ năm 2021, theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/05/2021, thông tin về số tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp đã có một số thay đổi như sau:
- Bỏ thông tin về tài khoản ngân hàng trong các loại biểu mẫu giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Hiện nay, tất cả các loại biểu mẫu đăng ký thành lập doanh nghiệp tại phần đăng ký thuế không có thông tin về tài khoản ngân hàng.
- Trong thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông tin về tài khoản ngân hàng cũng đã được bãi bỏ.
Như vậy, thông tin về tài khoản ngân hàng không còn là thông tin đăng ký thuế nữa. Vì vậy, sau khi thành lập, doanh nghiệp mở tài khoản ngân hàng không phải thông báo với bất kỳ cơ quan nhà nước nào kể cả cơ quan thuế.
- Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về con dấu của doanh nghiệp như sau:
- Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
- Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
- Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 01/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 04/01/2021) thì doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Việc đóng dấu đối với các tài liệu khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Như vậy, so với quy định về con dấu tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”.
Đối tượng được uỷ quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
- Trước đây, khoản 2 Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.
- Từ năm 2021, theo khoản 3, 4 Điều 12 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, đã bổ sung thêm 02 trường hợp uỷ quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, bao gồm:
- Ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích: Khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, nhân viên bưu chính phải nộp bản sao phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phát hành có chữ ký xác nhận của nhân viên bưu chính và người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích: Khi nộp hồ sơ phải có các giấy tờ sau:
- Bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp;
- Giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.
- So với Luật Doanh nghiệp 2014 thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp, gồm:
- Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
- Bên cạnh đó, thêm 01 đối tượng không có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào doanh nghiệp là các đối tượng bị cấm theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng.
- Từ ngày 01/5/2021 sẽ thay đổi mẫu giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp theo phụ lục ban hành tại Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT, cụ thể:
- Giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân.
- Giấy đăng ký thành lập Công ty TNHH một thành viên.
- Giấy đăng ký thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên.
- Giấy đăng ký thành lập Công ty cổ phần.
- Giấy đăng ký thành lập Công ty hợp danh.
- Thông báo về việc đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh.
- Từ năm 2021, tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá.
- Trường hợp tổ chức thẩm định giá, định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được các cổ đông, thành viên chấp thuận.
- Trước đây, giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận (theo khoản 2 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2014).
→ Xem thêm:
→ Tư vấn về 3 loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay.
→ Có nên thành lập thành lập doanh nghiệp tư nhân?
→ Nên thành lập công ty cổ phần hay công ty TNHH 2 thành viên?
→ Một số lưu ý khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
- Trên đây là nội dung 06 lưu ý khi thành lập doanh nghiệp mới từ năm 2021 mà Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.