HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG LÀ GÌ?
Hình 1. Hợp đồng lao động là gì?
Ký kết hợp đồng lao động là việc mà bất cứ ai cũng đều có thể trải qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về loại hợp đồng này. Để tránh xảy ra những tranh chấp các bên cần lưu ý những nội dung sau đây.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng lao động.
2. Chủ thể của hợp đồng lao động.
3. Nội dung và hình thức của hợp đồng lao động.
4. Các loại hợp đồng lao động.
- Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng lao động là vấn đề mà doanh nghiệp và người lao động cần nắm rõ trước tiên. Để có cách nhìn khách quan và đúng nhất về hợp đồng lao động, Luật Thịnh Trí thông tin đến quý bạn đọc như sau:
- Về khái niệm hợp đồng lao động: Theo Điều 13 BLLĐ 2019, Hợp đồng lao động có thể là bất kỳ sự thỏa thuận, thương thảo giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) thỏa mãn 02 điều kiện, trong đó gồm:
+ Nội dung thỏa thuận có đề cập công việc NLĐ cần làm và chi phí thù lao, tiền lương cho công việc ấy;
+ Sự quản lý, điều hành từ NSDLĐ đối với NLĐ để đảm bảo thực hiện công việc như đã thỏa thuận thì xem như các bên đã thiết lập một hợp đồng lao động trong quan hệ của mình.
- Về đặc điểm của hợp đồng lao động: Một trong những đặc điểm nổi bật của hợp đồng lao động là đối tượng của hợp đồng. Theo đó, đối tượng chính của hợp đồng lao động là công việc NLĐ sẽ làm. Thế nhưng các điều khoản của hợp đồng không chỉ xoay quanh những vấn đề về việc làm của NLĐ mà còn đề cập, tạo ra khung hành lang pháp lý rõ rệt bảo vệ tối đa quyền lợi mà NLĐ có thể được hưởng.
- Vì vậy, nếu các bên khi ký kết hợp đồng lao động, đặc biệt là phía NSDLĐ không nắm được các đặc điểm quan trọng của chế định hợp đồng này mà thỏa thuận những điều khoản mập mờ, hạn chế quyền lợi của NLĐ chính là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Và thực tế, một khi xảy ra tranh chấp thì những điều khoản đó luôn được các cơ quan tài phán giải quyết theo hướng có lợi nhất cho NLĐ.
Theo Khoản 1,2 Điều 3 BLLĐ 2019 thì chủ thể của HĐLĐ gồm người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó:
- Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo HĐLĐ, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, đối với từng trường hợp mà pháp luật có quy định riêng. Cụ thể:
+ Đối với người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam: Điều 151 BLLĐ 2019;
+ Đối với người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam: Điều 150 BLLĐ 2019.
Ngoài ra, trong một số trường hợp pháp luật quy định ngoại lệ về điều kiện chủ thể của HĐLĐ, ví dụ: sử dụng lao động dưới 15 tuổi để làm những công việc mà pháp luật cho phép; không được sử dụng lao động nữ, lao động tàn tật, lao động cao tuổi,.. làm những công việc mà pháp luật cấm.
Đối với người lao động, việc giao kết HĐLĐ mang tính trực tiếp, không được ủy quyền (trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 18 BLLĐ 2018 đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng).
- Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đối với người sử dụng lao động, họ có thể ủy quyền cho người khác ký kết HĐLĐ, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân.
- Về nội dung của hợp đồng lao động: Thông thường, một hợp đồng lao động sẽ chứa đựng rất nhiều nội dung tùy vào sự thỏa thuận của các bên về công việc cần làm. Tuy nhiên, vẫn luôn cần có một số điều khoản nền tảng để hợp đồng này không bị “thiếu trước hụt sau”, làm ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của các bên.
Hình 2: Nội dung của hợp đồng lao động
- Theo đó, nội dung cần có trong hợp đồng lao động có thể chia thành 03 nhóm chính như sau:
- Thứ nhất, điều khoản cơ bản: Bao gồm các điều khoản buộc phải có trong hợp đồng, nếu các bên không quy định những điều khoản này thì không thể thực hiện hợp đồng lao động như:
- Thông tin NLĐ/ NSDLĐ và loại hợp đồng giao kết;
- Công việc cần làm, phúc lợi và điều kiện làm việc;
- Quyền và nghĩa vụ của từng bên trong hợp đồng.
- Thứ hai, điều khoản thông thường: Đây là các điều khoản dù các bên không quy định trong hợp đồng thì việc thực hiện vẫn tuân theo quy định tại Nội quy và/ hoặc thỏa ước lao động tập thể của công ty hoặc các quy định mà pháp luật đã định ra trước. Các bên có thể thỏa thuận thêm vào hoặc không, thông thường gồm các điều khoản sau:
- Chế độ nâng bậc, nâng lương, các quy định về bảo hiểm;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, thời gian làm thêm giờ;
- Trang thiết bị và/ hoặc đồ bảo hộ lao động cho NLĐ;
- Việc xử lý tranh chấp giữa các bên.
- Thứ ba, điều khoản tùy nghi: Là các điều khoản mà tùy vào hoàn cảnh giao kết, các bên sẽ thiết lập thêm những quy định thỏa thuận riêng cho quan hệ của mình để bảo đảm quyền lợi của mỗi bên. Việc quy định các điều khoản này trong hợp đồng sẽ là nền tảng để các bên tham chiếu thực hiện, giải quyết những mâu thuẫn nếu xảy ra các sự kiện như đã quy định. Thường xoay quanh các vấn đề về:
- Bí mật thông tin và việc xử lý khi vi phạm;
- Đào tạo, nâng cao trình độ nghề và trách nhiệm bồi hoàn.
- Dựa trên các nhóm điều khoản đã nêu, các bên trong hợp đồng lao động sẽ cân nhắc lựa chọn nhóm điều khoản nào là phù hợp nhất trước khi đưa vào hợp đồng.
- Về hình thức, theo quy định tại Điều 14 BLLĐ 2019 thì hợp đồng phải được các bên giao kết bằng văn bản, ngoại trừ một số trường hợp như hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình, ... thì có thể giao kết bằng lời nói.
➤ Tham khảo thêm bài viết: Khi nào được sử dụng lao động dưới 13 tuổi?
- Với những thay đổi của pháp luật lao động mới đây, việc phân loại hợp đồng lao đồng đã dễ dàng hơn rất nhiều. Cụ thể, thay vì phân chia hợp đồng lao động thành 3 loại như trước gồm: Hợp đồng lao động xác định thời hạn (thời hạn hợp đồng từ 12 tháng đến 36 tháng); Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và Hợp đồng mùa vụ (thời hạn hợp đồng dưới 12 tháng) thì nay, theo Điều 20 BLLĐ 2019 chỉ còn quy định 02 nhóm:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn (nội dung như quy định trước);
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn (thời gian thực hiện hợp đồng không quá 36 tháng).
- Nhìn chung, với sự ra đời của Bộ luật lao động 2019 thì hợp đồng lao động đã có sự thay đổi khá nhiều về cấu trúc điều khoản cũng như hình thức. Tuy vậy, tinh thần và đặc điểm rõ nét của hợp đồng lao động như đã đề cập ở trên vẫn luôn vẹn nguyên - theo đó vừa hướng tới mục đích bảo vệ và duy trì quan hệ lao động giữa các bên trong hợp đồng, vừa đề cao và chú trọng nhiều hơn quyền lợi của bên yếu thế trong quan hệ đó - Người lao động!
➤ Tham khảo thêm bài viết:
→ Những điểm mới về lương, thưởng theo Bộ luật lao động 2019.
→ Mức bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
→ 13 trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
→ Phân biệt trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc.
- Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về hợp đồng lao động. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến hợp đồng lao động theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ
Hotline: 1800 6365
Facebook: