HỢP ĐỒNG MƯỢN TÀI SẢN
Hình 1. Hợp đồng mượn tài sản
“Mượn” là thuật ngữ vô cùng quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Việc phát sinh quan hệ mượn tài sản trên thực tế cũng đồng nghĩa giữa các bên đã tồn tại một dạng hợp đồng dân sự, gọi là hợp đồng mượn tài sản.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Khái niệm và hình thức hợp đồng mượn tài sản.
2. Đặc điểm hợp đồng mượn tài sản.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mượn tài sản.
3.1. Quyền và nghĩa vụ của bên cho mượn.
4. Một số lưu ý khi giao kết hợp đồng mượn tài sản.
- Hiện nay, khái niệm hợp đồng mượn tài sản được ghi nhận tại Điều 494 BLDS 2015. Theo đó, hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, gồm bên cho mượn và bên mượn tài sản. Theo đó, bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc khi mục đích mượn đã đạt được. Khác với hợp đồng vay tài sản là bên mượn không phải trả tiền cho bên cho mượn.
- Cũng giống như các loại hợp đồng dân sự thông dụng khác, hợp đồng mượn tài sản không có yêu cầu đặc biệt về hình thức. Hay nói cách khác, giao kết hợp đồng có thể thể hiện qua lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên, đối với các tài sản có giá trị lớn, các bên nên lựa chọn hình thức văn bản để hạn chế những rủi ro không đáng có.
- Hợp đồng mượn tài sản là hợp đồng được sử dụng hầu như hàng ngày. Về đặc điểm, hợp đồng mượn tài sản có những đặc điểm cơ bản dưới đây:
- Thứ nhất, đối tượng của hợp đồng mượn tài sản là tất cả tài sản không tiêu hao theo Điều 495 BLDS 2015. Có thể hiểu tài sản không tiêu hao là tài sản khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Sở dĩ có quy định này là vì khi hết hạn hợp đồng, bên mượn phải trả lại tài sản với tình trạng như ban đầu cho bên còn lại.
- Thứ hai, hợp đồng mượn tài sản là hợp đồng đơn vụ. Theo khoản 2 Điều 405 BLDS 2015, hợp đồng đơn vụ là hợp đồng chỉ có một bên trong quan hệ dân sự có nghĩa vụ khi thực hiện hợp đồng. Cụ thể trong hợp đồng mượn tài sản, chỉ có bên mượn là bên có nghĩa vụ.
- Thứ ba, hợp đồng mượn tài sản là hợp đồng không có đền bù bởi vì bên mượn không phải trả lợi ích tài chính khi sử dụng tài sản mượn của bên cho mượn.
- Mặc dù hợp đồng mượn tài sản là hợp đồng đơn vụ nhưng theo quy định pháp luật mỗi bên trong hợp đồng vẫn phải tuân theo một số quyền và nghĩa vụ cơ bản sau đây.
- Theo Điều 499 BLDS 2015, bên cho mượn có quyền đòi lại tài sản cho mượn. Cụ thể như sau:
- Bên cho mượn có quyền đòi lại tài sản khi hết thời hạn trong hợp đồng. Nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn, bên cho mượn có thể đòi lại tài sản khi mục đích mượn của bên mượn đã hoàn thành.
- Bên cạnh đó, nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản thì có quyền đòi lại tài sản đó mà không cần chờ bên mượn đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý. Thế nhưng, hiện nay pháp luật chưa có văn bản hướng dẫn như thế nào là một thời gian hợp lý. Vì vậy, khi áp dụng trên thực tế thường được các bên thương lượng dựa trên nguyên tắc thiện chí.
- Bên cho mượn được quyền đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn.
- Bên cho mượn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra. Quy định này là hoàn toàn hợp lý bởi lẽ đặc trưng của hợp đồng mượn tài sản là bên mượn cần hoàn trả lại nguyên vẹn, đúng tài sản đã được bên cho mượn cho mượn.
- Có thể thấy trong hợp đồng mượn tài sản, bên cho mượn không nhận được lợi ích vật chất nào nhưng pháp luật hiện hành cũng đặt ra một số các nghĩa vụ của bên cho mượn nhằm lường trước những hậu quả phát sinh. Cụ thể như sau:
- Cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản và khuyết tật của tài sản, nếu có. Quy định này nhằm để tạo điều kiện thuận lợi cho bên mượn trong quá trình sử dụng tài sản cũng như tránh các thiệt hại có thể xảy ra.
- Thanh toán cho bên mượn chi phí sửa chữa, chi phí làm tăng giá trị tài sản, nếu có thỏa thuận. Một điểm lưu ý là nội dung này chỉ có hiệu lực nếu các bên có thỏa thuận, do đó khi giao kết các bên cần chú ý bổ sung rõ ràng trong hợp đồng nhằm tránh những mâu thuẫn không đáng có.
- Nếu biết những khuyết tật của tài sản mà cố ý không thông báo cho bên mượn, khi sử dụng tài sản gây thiệt hại cho bên mượn, bên cho mượn phải bồi thường thiệt hại.
3.2. Quyền và nghĩa vụ của bên mượn
- Cũng giống như bên cho mượn, Điều 496, 497 BLDS 2015 cũng ghi nhận bên mượn cũng có những quyền và nghĩa vụ dưới đây:
- Nhận tài sản theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, và có quyền sử dụng tài sản đó theo đúng mục đích đã thỏa thuận.
- Nếu có thỏa thuận về việc sửa chữa, làm tăng giá trị sản phẩm thì bên mượn có quyền yêu cầu bên cho mượn thanh toán các chi phí hợp lý trên.
- Không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên của tài sản mượn.
- Đảm bảo việc hoàn trả nguyên vẹn tài sản cho bên cho mượn khi hết thời hạn, do đó, bên mượn có một số các yêu cầu về nghĩa vụ như sau:
- Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.
- Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.
- Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.
- Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn.
- Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.
Hình 2. Một số lưu ý khi giao kết hợp đồng mượn tài sản
- Có thể thấy rằng, hợp đồng mượn tài sản được xem là loại hợp đồng khá đơn giản, và vô cùng gần gũi trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, khi giao kết các bên vẫn có những lưu ý cần chú trọng để tránh việc tranh chấp cũng như thực hiện hợp đồng trái pháp luật.
- Đối với tài sản mượn: Như đã đề cập, tài sản của hợp đồng mượn phải là các vật không tiêu hao và người mượn phải hoàn trả chính xác tài sản đó khi hết thời hạn hoặc mục đích mượn đã đạt được. Chính vì vậy, nếu các bên muốn cho mượn các tài sản là vật tiêu hao thì không thể thực hiện hợp đồng mượn tài sản được. Theo đó, các bên có thể thực hiện các hợp đồng vay tài sản không trả lãi, hợp đồng tặng cho, hợp đồng thuê tài sản,...
- Đối với việc sử dụng tài sản mượn: Bên mượn phải sử dụng tài sản theo đúng thỏa thuận của các bên. Ngoài ra, bên mượn còn phải bảo quản nguyên vẹn, tránh gây hư hỏng, làm mất hay sử dụng trái với ý muốn của bên cho mượn. Bởi về nguyên tắc, bên cho mượn vẫn là chủ sở hữu của tài sản, vì vậy, khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu, người sử dụng (bên mượn) không được tự ý quyết định tài sản đó.
➤ Tham khảo thêm bài viết:
➤ Những vấn đề cần lưu ý về hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
➤ Những vấn đề cần biết về việc ủy quyền.
➤ Hành vi bán chui cổ phiếu là gì?.
➤ Một số điều cần biết về bảo lãnh.
- Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định chung về hợp đồng mượn tài sản. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực dân sự và tố tụng dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ
Hotline: 1800 6365
Facebook: