HỢP ĐỒNG SONG VỤ LÀ GÌ?
VIỆC THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG SONG VỤ NHƯ THẾ NÀO?
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Khái niệm hợp đồng song vụ.
2. Nghĩa vụ thực hiện hợp đồng song vụ.
3. Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng song vụ.
Hiện nay, trong các hợp đồng giao dịch dân sự nhằm bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên thì việc quy định rõ các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên là rất quan trọng. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chặt chẽ về loại hợp đồng song vụ, theo đó khi thực hiện giao dịch mỗi bên đều có nghĩa vụ với nhau. Như vậy, hợp đồng song vụ là gì và việc thực hiện hợp đồng này như thế nào? Bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung này, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.
Hợp đồng song vụ (ảnh minh họa)
- Hợp đồng là hai bên thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm hai bên giao kết hợp pháp, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Khi các bên hoàn thành xong hết quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng thì hợp đồng chấm dứt. Khi hợp đồng có sự thay đổi không thể thực hiện, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng có quyền yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu hoặc hủy hợp đồng, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
- Hợp đồng gồm có các loại chủ yếu sau đây: Hợp đồng song vụ, hợp đồng đơn vụ, hợp đồng chính, hợp đồng phụ, hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, hợp đồng có điều kiện.
- Trong đó, hợp đồng song vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 402 Bộ luật Dân sự năm 2015 là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.
- Ví dụ: Hợp đồng song vụ về giao dịch mua bán tài sản, trong đó bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và thanh toán tiền cho bên bán; bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền.
- Ngoài hợp đồng mua bán tài sản, một số hợp đồng song vụ thường gặp như hợp đồng gia công, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng dịch vụ. Khi giao kết hợp đồng dân sự cần chú ý đến hình thức, nhất là đối tượng hợp đồng là bất động sản, nhà ở, đất đai (ví dụ: giao kết bằng văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật).
- Lưu ý: Nội dung của hợp đồng song vụ phải đảm bảo các nội dung sau đây: Chủ thể giao kết hợp đồng; đối tượng hợp đồng; chất lượng, số lượng; phương thức thanh toán, giá; phương thức thực hiện hợp đồng, thời hạn thực hiện, địa điểm thực hiện; quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng; trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng; hình thức giải quyết tranh chấp.
Nghĩa vụ thực hiện hợp đồng song vụ (ảnh minh họa)
- Đối với hợp đồng song vụ, khi các bên có sự thỏa thuận về thời hạn thực hiện nghĩa vụ của mình trong hợp đồng thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo thời hạn đã thỏa thuận; không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình.
- Đối với hợp đồng song vụ, các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau, trừ trường hợp có sự thỏa thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước. Nếu các bên không thể đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau thì nghĩa vụ nào khi thực hiện mất nhiều thời gian hơn thì ưu tiên nghĩa vụ đó phải được thực hiện trước.
- Các trường hợp có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ là:
- Quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của bên phải thực hiện nghĩa vụ trước: Nếu khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết thì bên thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ cho đến khi bên kia có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hoặc có khả năng tiếp tục thực hiện được nghĩa vụ.
- Ví dụ: A mang xe ô tô đến cửa hàng của B và yêu cầu B bảo trì, sơn sửa lại xe ô tô. Sau khi B sơn sửa và bảo trì xe của A xong nhưng A không có khả năng thanh toán các khoản chi phí sơn sửa và bảo trì xe nên B có thể giữ lại xe ô tô cho đến khi A thanh toán tiền xe cho mình. Biện pháp B thực hiện gọi là biện pháp bảo đảm cầm giữ tài sản. Theo quy định Điều 412 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong hợp đồng song vụ, nếu một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền xác lập quyền cầm giữ tài sản đối với tài sản của bên có nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Việc xác lập cầm giữ tài sản tính từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ hoặc không thực hiện nghĩa vụ.
- Quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của bên phải thực hiện nghĩa vụ sau: Nếu đến hạn mà bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên phải thực hiện nghĩa vụ sau có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ.
- Theo Điều 413 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trong hợp đồng song vụ, khi một bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình do lỗi của bên kia thì bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc có quyền yêu cầu bên kia tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đối với mình.
- Theo Điều 414 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp một bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình mà các bên đều không có lỗi thì bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình không có quyền yêu cầu bên kia tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Nếu một bên đã thực hiện được một phần nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên kia tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tương ứng đối với mình.
- Theo Điều 419 thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng được xác định như sau:
1. Cá nhân, pháp nhân được bồi thường toàn bộ thiệt hại khi quyền dân sự bị xâm phạm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
2. Khi có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Người có quyền có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại; có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại.
4. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án căn cứ vào nội dung vụ việc quyết định người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền.
- Lưu ý: Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng song vụ khi có tranh chấp phát sinh là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu phải biết hoặc biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
➤ Xem thêm:
➤ Hợp đồng vô hiệu là gì? Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.
➤ Phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại.
➤ Hợp đồng vay tài sản.
➤ Hợp đồng mượn tài sản.
- Trên đây là nội dung một số quy định về Hợp đồng song vụ và việc thực hiện hợp đồng song vụ theo Bộ luật Dân sự năm 2015 của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.