HƯỚNG GIẢI QUYẾT TRONG TRƯỜNG HỢP
GIAO HÀNG HÓA KHÔNG PHÙ HỢP VỚI HỢP ĐỒNG
Hình 1. Hướng giải quyết hàng hóa không phù hợp với hợp đồng
Thỏa thuận trong hợp đồng chính là căn cứ đầu tiên để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên khi thực hiện hợp đồng, nhất là trong trường hợp bên bán giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Như thế nào là giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng?
2. Xác định trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng.
2.1 Bên mua biết hoặc đã biết về khiếm khuyết của hàng hoá.
2.2. Hàng hóa có khiếm khuyết trước thời điểm chuyển giao rủi ro.
3. Giải pháp và khắc phục trong trường hợp giao hàng không phù hợp với hợp đồng.
3.1. Vẫn còn thời hạn giao hàng hoặc hợp đồng không quy định về thời điểm giao hàng.
3.2. Hết thời hạn giao hàng hoặc hợp đồng có quy định về thời điểm giao hàng.
- Theo quy định tại Điều 39 Luật Thương mại 2005, hàng hóa không phù hợp với hợp đồng là hàng hóa thuộc 01 trong 05 trường hợp sau đây:
- Không phù hợp với thỏa thuận cụ thể của các bên được ghi nhận trong hợp đồng;
- Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hóa cùng chủng loại;
- Không phù hợp với bất kỳ mục đích sử dụng cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;
- Không đảm bảo chất lượng như chất lượng của mẫu hàng mà bên bán giao cho bên mua;
- Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hóa đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hóa trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.
- Để hiểu rõ hơn về nội dung này, quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết: Hàng hóa không phù hợp với hợp đồng mua bán
- Thoả thuận hợp đồng là căn cứ đầu tiên để xác định đâu là hàng hóa không phù hợp với hợp đồng và hướng giải quyết khi các bên gặp phải trường hợp đó. Thế nhưng nếu như các bên không có thỏa thuận, việc xác định trách nhiệm và hướng giải quyết sẽ được thực hiện theo hướng dẫn dưới đây.
- Trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng sẽ được xác định khác nhau trong những trường hợp cụ thể dưới đây.
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng, bên mua đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết của hàng hóa và vẫn đồng ý mua hàng thì bên bán sẽ không chịu trách nhiệm.
- Trong trường hợp này, hàng hóa mua bán thường đã qua sử dụng hoặc loại hàng hóa không thể thay thế được bằng bất kỳ hàng hóa nào khác và bên giao có nghĩa vụ giao đúng hàng hóa đó (đồ cổ, hiếm; hàng hóa phiên bản giới hạn,...).
- Ví dụ: Bên A ký hợp đồng bán cho bên B một bức tranh cổ từ năm 1983. Vào thời điểm ký kết hợp đồng, B đã biết bức tranh cổ bị rách một mảng lớn và B vẫn đồng ý mua.
- Thời điểm chuyển chuyển giao rủi ro là thời điểm mà trách nhiệm đảm bảo hàng hóa không bị mất mát hoặc hư hỏng của bên bán được chuyển qua cho bên mua. Theo quy định, các khiếm khuyết của hàng hoá phát sinh sau thời điểm này bên bán không phải chịu trách nhiệm nữa. Sau thời điểm chuyển giao rủi ro này thì bên bán chỉ phải chịu trách nhiệm đối với những khiếm khuyết do bên bán vi phạm hợp đồng gây ra.
- Bên cạnh đó, căn cứ vào khoản 2 Điều 318 Luật Thương mại 2005, nếu trong thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận hoặc 6 tháng kể từ ngày giao hàng, bên bán sẽ phải chịu trách nhiệm đối với tất cả khiếm khuyết của hàng hóa đã có trước thời điểm chuyển giao rủi ro, kể cả trường hợp khuyết điểm đó được phát hiện sau thời điểm này.
- Sau khi thời hạn khiếu nại nêu trên đã hết mà bên mua không khiếu nại gì thì coi như đã chấp nhận vi phạm của bên bán và không có quyền yêu cầu bên bán thực hiện trách nhiệm của mình.
Giải pháp và khắc phục trong trường hợp giao hàng không phù hợp với hợp đồng
- Khi đã xác định được trách nhiệm thuộc về bên bán, bên mua có quyền yêu cầu bên bán thực hiện các biện pháp khắc phục đối với trường hợp giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Theo đó, hướng giải quyết sẽ khác nhau trong hai trường hợp dưới đây.
- Nếu như vẫn còn thời hạn giao hàng hoặc hợp đồng không quy định về thời điểm giao hàng, bên mua có thể yêu cầu bên bán thực hiện các biện pháp dưới đây nhằm khắc phục hậu quả:
- Thứ nhất, yêu cầu bên bán thay thế hàng hóa cho phù hợp với hợp đồng hoặc khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa trong thời hạn còn lại.
- Thứ hai, yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu các chi phí phát sinh nếu việc khắc phục của bên bán gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua.
- Khác với trường hợp nêu trên, nếu như thời hạn giao hàng đã hết hoặc hợp đồng quy định rõ về thời điểm giao hàng, bên mua có quyền thực hiện như sau:
- Thứ nhất, từ chối nhận hàng: Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nhưng nếu vẫn nhận hàng không được phép tự ý giảm giá tiền số hàng không phù hợp đó nếu chưa đạt được thỏa thuận với bên bán.
- Chính vì vậy, doanh nghiệp là bên mua cần phải thỏa thuận rõ ràng trước với bên bán trong hợp đồng về biện pháp giảm giá hàng hóa hoặc các biện pháp khác thích hợp để giải quyết khi giao hàng không phù hợp với hợp đồng.
- Thứ hai, áp dụng chế tài “Buộc thực hiện đúng hợp đồng”: Trong trường hợp việc bên bán giao hàng không phù hợp này chưa gây ra thiệt hại đến mức làm cho bên mua không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng thì bên mua có thể buộc bên bán thực hiện đúng hợp đồng theo quy định pháp luật.
- Không chỉ thế, trong thời gian gia hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng nói trên, bên mua có thể áp dụng đồng thời các biện pháp chế tài như: (i) phạt vi phạm hợp đồng (nếu các bên có thỏa thuận áp dụng trong hợp đồng); (ii) bồi thường thiệt hại (nếu chứng minh được việc giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây nên thiệt hại thực tế cho bên mua).
- Như vậy, để hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra tranh chấp khi gặp phải trường hợp giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, các bên phải hết sức lưu tâm đến nội dung thỏa thuận về trách nhiệm của các bên cũng như biện pháp giải quyết vấn đề này khi tiến hành ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa.
➤ Tham khảo thêm bài viết:
➤ Hợp đồng mua bán tài sản.
➤ Nghĩa vụ bảo hành trong hợp đồng mua bán.
➤ Hợp đồng vô hiệu là gì? Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.
➤ 15 loại hợp đồng thông dụng theo Bộ luật Dân sự.
- Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về hướng giải quyết khi hàng hóa không phù hợp với hợp đồng mua bán. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực dân sự, thương mại theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ
Hotline: 1800 6365
Facebook: