Thứ 2 - 7 8:00 AM - 17:00 PM
Trang chủ / Sa thải lao động nữ mang thai và mức xử phạt
03/11/2021
Có được sa thải lao động nữ khi đang mang thai hay không ? Mức xử phạt sẽ là như thế nào khi người sử dụng lao động sa thải lao động nữ mang thai. Hãy cùng Luật Thịnh Trí tìm hiểu qua bài biết dưới đây.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 37 Bộ luật lao động 2019 quy định, người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Ảnh minh hoạ
Ngoài ra, khoản 3 Điều 137 Bộ luật lao động nêu rõ:
Điều 137. Bảo vệ thai sản
3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.
Từ đó, ta có thể kết luận, người sử dụng lao động không có quyền sa thải hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ đang mang thai, trừ các trường hợp nêu trên. Nếu hợp đồng lao động hết hạn trong thời hạn lao động nữ mang thai thì vẫn được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới và chế độ làm việc đúng theo quy định của pháp luật.
Nếu vi phạm người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt cụ thể như sau:
- Xử phạt vi phạm hành chính:
Điểm e khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, vi phạm quy định đối với lao động nữ:
Điều 27. Vi phạm quy định về lao động nữ
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
…
đ) Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
e) Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự
Như vậy, nếu người sử dụng lao động sa thải hay đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ đang mang thai sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Mức phạt tiền trên áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân. Mức phạt tiền đối với người sử dụng lao động là tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
- Xử lý hình sự:
Căn cứ theo khoản 32 Điều 1 Bộ luật hình sự sửa đổi 2017 quy định:
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;
…
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với phụ nữ mà biết là có thai…
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, người sử dụng lao động vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà sa thải trái pháp luật đối với người lao động nữ mà biết là có thai thì có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Mức phạt tù cho hành vi này lên đến 03 năm tù.
Hướng dẫn thủ tục đổi biển số vàng qua mạng
13/12/2021