CHI PHÍ VẬN CHUYỂN VÀ CHI PHÍ LIÊN QUAN
ĐẾN VIỆC CHUYỂN QUYỀN SỞ HỮU TRONG HỢP ĐỒNG MUA BÁN
Hình 1. Chi phí vận chuyển, chi phí liên quan đến chuyển quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán
Trong các hợp đồng mua bán, thông thường bên bán phải chuyển giao tài sản cho bên mua đến địa điểm theo thỏa thuận. Quá trình vận chuyển này sẽ mất một khoản chi phí nhất định, đó gọi là chi phí vận chuyển. Ngoài ra, đối với những tài sản phải đăng ký quyền sở hữu còn phát sinh thêm chi phí chuyển quyền sở hữu. Vậy chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến chuyển quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán được xác định như thế nào?
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Chi phí vận chuyển, chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu là gì?
2. Ai là người phải chịu chi phí vận chuyển, chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu?
2.1. Trường hợp các bên có thỏa thuận.
2.2. Trường hợp các bên không có thỏa thuận.
3. Chi phí vận chuyển, chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu được xác định như thế nào?
3.1. Trường hợp các bên có thỏa thuận.
3.2. Trường hợp các bên không có thỏa thuận.
3.3. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và không có quy định của cơ quan có thẩm quyền.
- Chi phí vận chuyển được hiểu là một khoản tiền dùng để chi trả cho việc vận chuyển tài sản đến một địa điểm xác định cho bên mua.
- Căn cứ Điều 435 BLDS 2015, các bên có thể tự thỏa thuận về địa điểm giao tài sản, nếu không có thỏa thuận thì địa điểm giao tài sản được xác định như sau:
- Nơi có bất động sản trong trường hợp đối tượng của hợp đồng là bất động sản;
- Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua trong trường hợp đối tượng của hợp đồng không phải là bất động sản.
- Thực tế cho thấy, hầu hết những hợp đồng mua bán tài sản có giá trị nhỏ thì địa điểm giao tài sản và địa điểm trả tiền chính là địa điểm giao kết hợp đồng. Chẳng hạn như mua bán các loại nguyên liệu, thực phẩm ngoài cửa hàng, ngoài chợ. Thông thường, với những loại hợp đồng này, các bên sẽ ít quan tâm tới địa điểm giao tài sản, bởi vì hợp đồng được giao kết, thực hiện và chấm dứt trong một thời gian ngắn.
- Ngược lại, đối với những hợp đồng mà tài sản mua bán có giá trị lớn, thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài thì các bên nên thỏa thuận, xác định cụ thể về địa điểm thực hiện nghĩa vụ giao tài sản, bởi lẽ nó còn liên quan đến các loại chi phí có liên quan như chi phí vận chuyển.
- Bên cạnh chi phí vận chuyển thì chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu cũng được đề cập phổ biến trong hợp đồng mua bán. Theo đó, chi phí này được hiểu là khoản tiền dùng để chi trả cho việc chuyển quyền sở hữu tài sản từ bên bán sang cho bên mua. Ví dụ: Khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải tốn thêm các chi phí như lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,...
- Theo quy định pháp luật hiện hành, để xác định bên nào là bên phải chi trả chi phí vận chuyển, chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu (sau đây gọi chung là chi phí vận chuyển) còn phải tùy thuộc vào trường hợp các bên có thỏa thuận hay không có thỏa thuận.
- Căn cứ khoản 4 Điều 442 BLDS 2015 thì các bên trong hợp đồng mua bán có thể tự do thỏa thuận bên mua hoặc bên bán phải chịu chi phí vận chuyển hoặc cả hai bên cùng nhau chịu chi phí này.
- Ví dụ: A mua tivi tại cửa hàng X, cửa hàng giao tivi đến nhà của A. Lúc này, các bên có thể tự thỏa thuận cửa hàng X hay A là người chịu chi phí vận chuyển.
- Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định về chi phí vận chuyển thì căn cứ vào khoản 4 Điều 442 BLDS 2015 thì bên bán phải chịu chi phí vận chuyển đến địa điểm giao tài sản.
- Ví dụ: Điều 212 Luật Thương mại 2005 quy định trong hợp đồng mua bán hàng hóa đấu giá, nếu không có thỏa thuận nào khác thì người bán phải chịu chi phí vận chuyển hàng hóa đến địa điểm đã thỏa thuận.
- Lưu ý rằng, trường hợp địa điểm giao hàng là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua, khi bên mua thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở mà làm tăng chi phí vận chuyển thì theo khoản 2 Điều 277 BLDS 2015 bên mua phải thông báo cho bên bán biết và chịu trách nhiệm phần chi phí tăng thêm này.
- Về nguyên tắc, các chi phí vận chuyển thường được các bên thỏa thuận ở một mức xác định phù hợp với quy định pháp luật. Tuy vậy, nếu không có thoả thuận, chúng sẽ được tính bằng những cơ sở dưới đây.
Hình 2. Xác định chi phí vận chuyển, chi phí liên quan chuyển quyền sở hữu
- Các bên trong hợp đồng mua bán được quyền thỏa thuận để xác định chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 442 BLDS 2015 đối với những đối tượng mua bán cụ thể và từng trường hợp trên thực tế mà pháp luật có ấn định chi phí này thì các bên phải tuân theo quy định của pháp luật.
- Ví dụ 1: Bên A và bên B ký kết hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng, và có thỏa thuận chi phí vận chuyển đến kho của bên B là 2.000.000 đồng. Chi phí vận chuyển trong trường hợp này là do các bên tự ước tính và thỏa thuận, thống nhất với nhau chứ không phụ thuộc vào quy định của pháp luật.
- Ví dụ 2: Bên A và bên B ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà thì các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu nhà phải tuân theo quy định pháp luật như giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà là giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ, mức thu lệ phí trước bạ đối với nhà là 0,5% (Khoản 1 Điều 6 Nghị định 140/2016/NĐ-CP).
- Nếu như các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì theo khoản 2 Điều 442 BLDS 2015, tùy thuộc vào từng hợp đồng cụ thể, mà chi phí vận chuyển được xác định theo chi phí đã được công bố, quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn từng ngành nghề.
- Ví dụ: Hợp đồng mua bán cát, đá xây được vận chuyển bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ được tính theo đơn giá cước quy định bởi Quyết định 52/2019/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định.
- Nếu như giữa các bên không có thỏa thuận và không có quy định của cơ quan có thẩm quyền thì căn cứ khoản 3 Điều 442 BLDS 2015 chi phí vận chuyển được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng.
- Ví dụ: Giá cước vận chuyển bưu phẩm thông thường trong phạm vi nội tỉnh của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là 23.000 đồng trên khối lượng 1 kg. Giá cước vận chuyển nhanh (giao hàng trong ngày) là 50.000 đồng trên khối lượng 1 kg.
- Tóm lại, chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu là các chi phí thường xuyên được nhắc đến khi các bên tham gia giao dịch mua bán, chuyển nhượng tài sản. Do đó, việc nắm bắt và hiểu rõ giúp cá nhân/doanh nghiệp có thể chủ động bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi tham gia các giao dịch này.
➤ Tham khảo thêm bài viết:
➤ Nghĩa vụ bảo hành trong hợp đồng mua bán.
➤ Những lưu ý khi soạn thảo hợp đồng mua bán.
➤ Hợp đồng vô hiệu là gì? Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.
➤ 15 loại hợp đồng thông dụng theo Bộ luật Dân sự.
- Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ
Hotline: 1800 6365
Facebook: