HỢP TÁC XÃ LÀ GÌ?
Hình 1. Hợp tác xã là gì?
Xuất phát từ một tổ chức kinh tế thuần túy, hợp tác xã ra đời và dần thể hiện vai trò của mình trong cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là đối với các vùng nông nghiệp, nông thôn với điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, những quy định pháp luật về loại hình này được xây dựng ngày một chặt chẽ, nhằm tạo ra nền tảng pháp lý để hợp tác xã củng cố và đổi mới phát triển trong tình hình mới.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Hợp tác xã là gì?
2. Các loại hình hợp tác xã.
3. Ưu và nhược điểm của hợp tác xã.
4. Thành viên hợp tác xã.
4.1 Điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã.
4.2 Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã.
- Trong bối cảnh nền kinh tế tập thể nước ta phát triển mạnh từ sau năm 1945, hợp tác xã (hợp tác xã) ra đời nhằm đáp ứng những nhu cầu xã hội nảy sinh, như vừa tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa tạo việc làm cho thành viên tham gia. Có thể nói, hợp tác xã đã thực sự phát huy tiềm năng của mình trong việc thể hiện vai trò của nó trên nhiều phương diện, từ kinh tế, văn hóa đến xã hội.
- Dưới góc độ pháp lý, hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.
- Về bản chất, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể, có sự tham gia tự nguyện của nhiều xã viên, cùng tương trợ nhau về mặt kinh tế và xã hội. Nói cách khác, đó là sự thể hiện của một hình thái kinh tế tập thể, với mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ, trợ giúp nhau cùng phát triển kinh tế, góp phần duy trì và ổn định đời sống xã hội tại địa phương.
- Nhằm thể hiện rõ bản chất của hợp tác xã theo luật định, đồng thời phản ánh đúng mục đích, hoạt động mà mô hình này đang theo đuổi, pháp luật nước ta đã đưa ra một số căn cứ và tiêu chí để phân loại hợp tác xã.
- Thứ nhất, căn cứ theo sản phẩm, dịch vụ hợp tác xã cung ứng cho thành viên, hợp tác xã được phân thành 04 loại: hợp tác xã phục vụ sản xuất, hợp tác xã phục vụ tiêu dùng, hợp tác xã tạo việc làm và hợp tác xã hỗn hợp.
- Thứ hai, căn cứ theo số lượng thành viên, hợp tác xã được phân loại thành: hợp tác xã quy mô thành viên siêu nhỏ (dưới 50 thành viên); hợp tác xã quy mô thành viên nhỏ (50-300 thành viên); hợp tác xã quy mô thành viên vừa (300-1000 thành viên); hợp tác xã quy mô thành viên lớn (trên 1000 thành viên).
- Thứ ba, căn cứ theo tổng nguồn vốn, hợp tác xã được phân loại thành hợp tác xã quy mô vốn siêu nhỏ (dưới 1 tỷ đồng; hợp tác xã quy mô vốn nhỏ (1 tỷ đến 5 tỷ đồng); hợp tác xã quy mô vốn vừa (5 tỷ đến 50 tỷ đồng); hợp tác xã quy mô vốn lớn (trên 50 tỷ đồng).
- Thứ tư, căn cứ theo ngành, nghề đăng ký kinh doanh, hợp tác xã được phân loại theo các nhóm ngành kinh tế cấp 1 quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Hình 2. Ưu và nhược điểm của hợp tác xã
Dựa trên khái niệm và những đặc điểm của hợp tác xã, có thể nhận thấy một số ưu điểm và nhược điểm của loại hình này. Nắm bắt điều này giúp chủ thể có cái nhìn tổng quan khi lựa chọn tham gia vào hợp tác xã. Cụ thể:
- Trước hết, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế thuần túy và không theo đuổi mục tiêu chính trị, do đó nó tập trung tối đa vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định đời sống xã hội tại địa phương.
- Mô hình này hoạt động dựa trên nguyên tắc dân chủ, bình đẳng nên mọi thành viên của tổ chức vẫn được hưởng quyền lợi như nhau, không phân biệt thành phần, địa vị xã hội và số vốn góp.
- Là tổ chức có tư cách pháp nhân và hoạt động theo mô hình trách nhiệm hữu hạn, vì vậy thành viên chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp, tránh được tâm lý rủi ro khi tham gia vào hợp tác xã.
- Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta như hiện nay, nhiều loại hình doanh nghiệp khác ra đời đã thể hiện rõ ưu thế vượt trội của mình, mô hình hợp tác xã dường như không còn phù hợp và chỉ thể hiện vai trò tại một số vùng nông thôn. Bởi lẽ mô hình này gần như chỉ phát huy tốt nhất vai trò của mình đối với nền kinh tế tập thể của nước ta thời kỳ trước, với mục tiêu chủ yếu là phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, nền kinh tế nông nghiệp nước ta đa số phát triển ở vùng nông thôn và đang dần nhường chỗ cho xu hướng công nghiệp, dịch vụ.
- Cùng với cơ chế bình đẳng, mọi thành viên đều hưởng quyền lợi như nhau, không phân biệt số vốn góp, do đó không thúc đẩy được hoạt động góp vốn khiến nguồn vốn huy động của tổ chức này còn khá thấp.
- Thành viên tham gia hợp tác xã có thể là hộ gia đình, cá nhân, pháp nhân. Khi tham gia vào tổ chức này, những chủ thể đó phải đáp ứng một số điều kiện. Trên cơ sở là thành viên của hợp tác xã, thành viên sẽ được hưởng những quyền lợi nhất định, bên cạnh những nghĩa vụ ràng buộc.
Để trở thành thành viên hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân, pháp nhân phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Cụ thể:
- Đối với cá nhân phải là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Quy định chung đối với chủ thể này là phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Riêng đối với cá nhân là người nước ngoài sẽ có thêm một số điều kiện khác như:
- Đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam;
- Trường hợp tham gia hợp tác xã tạo việc làm thì phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài;
- Đối với hợp tác xã có ngành nghề kinh doanh hạn chế về tỷ lệ sở hữu vốn của người nước ngoài thì việc tham gia của người nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật đầu tư liên quan tới ngành nghề đó.
- Các điều kiện khác do điều lệ hợp tác xã quy định.
- Đối với pháp nhân Việt Nam thì pháp nhân ấy phải đáp ứng một số điều kiện như:
- Có nhu cầu hợp tác với các thành viên khác và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;
- Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã. Người ký đơn phải là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó;
- Người đại diện của pháp nhân tại hợp tác xã là người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền) của pháp nhân đó;
- Góp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã;
- Các điều kiện khác do điều lệ hợp tác xã quy định.
- Đối với hộ gia đình thì phải có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật;
- Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân.
- Ngoài ra, cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân đó phải có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã. Đồng thời, phải có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã; thực hiện góp vốn theo cơ chế vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ của hợp tác xã nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.
- Bất kỳ một tổ chức kinh tế nào được sinh ra đều mang lại những lợi ích nhất định, và hợp tác xã cũng vậy. Khi tham gia hợp tác xã, thành viên hợp tác xã sẽ được hưởng một số quyền lợi tiêu biểu như:
- Được cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ;
- Được phân phối thu nhập theo quy định pháp luật và điều lệ của hợp tác xã;
- Được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự đại hội thành viên; được biểu quyết các nội dung thuộc quyền của đại hội thành viên;
- Được ứng cử, đề cử thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên. Và ứng cử, đề cử các chức danh khác được bầu của hợp tác xã;
- Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã;
- Được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã…
- Ngoài những quyền lợi nêu trên, thành viên của hợp tác xã cũng phải có những nghĩa vụ nhất định. Chẳng hạn, vì hợp tác xã hoạt động theo mô hình trách nhiệm hữu hạn nên thành viên phải góp đủ, đúng thời hạn vốn góp đã cam kết và chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn góp của mình; sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo hợp đồng dịch vụ. Mặt khác, thành viên phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho hợp tác xã…
- Tóm lại, hợp tác xã là mô hình kinh tế mang đậm dấu ấn Việt Nam khi ra đời trong thời kỳ cách mạng và hiện nay vẫn thể hiện vai trò khá quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế. Việc xây dựng hành lang pháp lý vững chắc đối với mô hình này nhằm củng cố và phát huy hơn nữa tiềm năng của nó trong thời kỳ kinh tế biến động như hiện nay, đặc biệt là thời gian đầy khó khăn vừa qua do ảnh hưởng bởi Covid-19.
➤ Tham khảo thêm bài viết:
➤ Thành lập doanh nghiệp tư nhân cần bao nhiêu vốn.
➤ Tư vấn về 3 loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay.
➤ Hợp đồng vô hiệu là gì? Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.
➤ Tìm hiểu về bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể.
- Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về hợp tác xã. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực dân sự và tố tụng dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ
Hotline: 1800 6365
Facebook: